5 quy định nổi bật liên quan đến mọi viên chức tập sự từ 07/12/2023

Viên chức sau khi trúng tuyển phải trải qua thời gian tập sự để tập làm quen với công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Dưới đây là tổng hợp quy định liên quan đến mọi viên chức tập sự từ 07/12/2023.

1. Chế độ tập sự của viên chức là gì?

Tập sự của viên chức là việc viên chức sau khi được tuyển dụng thì thực hiện các công việc để làm quen với môi trường công tác và tập làm những công việc mà vị trí việc làm được tuyển dụng yêu cầu. Trong đó, vị trí việc làm này phải gắn với chức danh nghề nghiệp trong hợp đồng làm việc.

Định nghĩa này được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Theo đó, một trong các quy định liên quan đến mọi viên chức tập sự từ 07/12/2023 là trong quá trình tập sự, viên chức tập sự phải nắm vững các nội dung tập sự được quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 115 năm 2020 gồm:

- Nắm vững các quy định liên quan đến viên chức như:

  • Quyền, nghĩa vụ mà viên chức phải thực hiện
  • Những việc viên chức không được phép làm trong Luật Viên chức và các văn bản liên quan
  • Cơ cấu tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, cơ quan mà mình công tác cùng với nội quy, quy chế làm việc tại đây
  • Nhiệm vụ, yêu cầu, chức trách cần phải đảm bảo của vị trí việc làm được tuyển dụng.

- Về năng lực thì phải không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.

- Tập giải quyết và thực hiện các công việc mà vị trí việc làm được tuyển dụng yêu cầu.

 

5 quy định liên quan đến mọi viên chức tập sự từ 07/12/2023 5 quy định liên quan đến mọi viên chức tập sự từ 07/12/2023 (Ảnh minh họa)

2. Có bắt buộc mọi viên chức đều phải tập sự không?

Theo quy định tại Điều 27 Luật Viên chức năm 2010, người trúng tuyển vào viên chức phải thực hiện chế độ tập sự ngoại trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Cụ thể, khoản 5 Điều 21 được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định các trường hợp viên chức được tuyển dụng mà không phải thực hiện chế độ tập sự gồm:

  • Viên chức được tuyển dụng và được bố trí vào vị trí việc làm để thực hiện các công việc đúng chuyên môn, nghiệp vụ mà trước đây đã đảm nhiệm.
  • Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ tước đây có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian này bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự.

Riêng trường hợp được bố trí đúng công việc trước đây đã làm nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian làm công việc chuyên môn (bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự) thì thời gian công tác trước đó sẽ được trừ vào thời gian tập sự.

  • Với trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự thì viên chức đó phải tham gia khóa bồi dưỡng do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử đi để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm.

Như vậy, theo quy định trên, không phải mọi trường hợp đều phải thực hiện chế độ tập sự.

3. Thời gian tập sự của viên chức là bao lâu?

Thời gian tập sự của viên chức được quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP gồm:

  • 12 tháng: Chức danh nghề nghiệp yêu cầu trình độ đại học.
  • 09 tháng: Chức danh nghề nghiệp yêu cầu trình độ cao đẳng và chức danh nghề nghiệp bác sĩ yêu cầu trình độ đào tạo đại học.
  • 06 tháng: Chức danh nghề nghiệp yêu cầu trình độ trung cấp.

Trong đó, thời gian không tính vào thời gian tập sự gồm: Nghỉ sinh con, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không lương, bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác.

Riêng thời gian nghỉ ốm đau hoặc nghỉ có lý do dưới 14 ngày mà được đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì được tính vào thời gian tập sự.

 

Sau khi được tuyển dụng, viên chức phải trải qua thời gian tập sự Sau khi được tuyển dụng, viên chức phải trải qua thời gian tập sự (Ảnh minh họa)

4. Khi nào viên chức được hưởng 100% lương?

Bởi tập sự chỉ là bước đệm giúp viên chức quen thuộc với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp nên viên chức tập sự sẽ không được hưởng 100% lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng trừ trường hợp viên chức được tuyển dụng và tập sự ở:

  • Vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Ngành, nghề độc hại, nguy hiểm.
  • Đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc tham gia công an nhân dân;
  • Sĩ quan quân đội và công an hoặc quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị hoặc chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được phong sĩ qan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị
  • Đội viên thanh niên xung phong hoặc trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, vẫn có một số trường hợp như đã nêu ở trên, viên chức sẽ được hưởng 100% mức lương của vị trí việc làm. Các trường hợp còn lại, viên chức hưởng 85% lương của bậc 1 mà chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng đang hưởng.

Các trường hợp có bằng tốt nghiệp ở trình độ cao hơn như sau:

Trường hợp người tập sự có bằng tốt nghiệp ở trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm tuyển dụng thì mỗi mức trình độ đào tạo cao hơn được cộng thêm 01 bậc lương và được hưởng 85% hệ số lương ở bậc được xếp. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.

5. Khi nào viên chức tập sự không được tuyển dụng?

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức tập sự là một trong nhiều quy định liên quan đến mọi viên chức tập sự từ 07/12/2023 đáng chú ý. Cụ thể, trường hợp này được quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP gồm:

Không đạt kết quả sau thời gian tập sự

Người tập sự cso hành vi vi phạm về đạo đức và hoạt động nghề nghiệp đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật.

Khi người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc thì được hỗ trợ 01 tháng lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe về nơi cư trú.

Loading...