Lộ trình tăng lương cơ bản đến năm 2025 thế nào?
Theo tinh thần của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết 27-NQ/TW về chính sách tiền lương, nước ta đã trải qua 04 lần cải cách tiền lương, từng bước nâng cao đời sống của người lao động.
Tại Nghị quyết này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đưa ra lộ trình tăng lương cơ bản đến năm 2025 cho nhiều đối tượng, cả ở khu vực công gồm cán bộ, công chức, viên chức và ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước gồm người lao động.
Trong đó, được hiểu lương cơ bản là mức lương thấp nhất, không bao gồm các loại phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng… mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhận được.
Cụ thể như sau:
Trong khu vực công
Lộ trình tăng lương cơ bản đến năm 2025 được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết 27 là tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức sẽ cao hơn tiền lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Mục tiêu đến 2025 để tạo tiền đề cho lộ trình đến năm 2030 là tiền lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương cơ bản của vùng cao nhất trong khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, có thể lộ trình này sẽ chưa thể thực hiện theo đúng tiến độ bởi theo Nghị quyết 27, dự kiến cải cách tiền lương sẽ áp dụng thống nhất bảng lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ năm 2021 trong toàn hệ thống chính trị.
Đồng thời, năm 2021 cũng là năm mà tiền lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương cơ bản bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế của nước ta nên trong năm 2021, cải cách tiền lương đã không thể thực hiện được. Bởi vậy, những dự kiến về cải cách tiền lương cũng bị hoãn đến thời điểm thích hợp và mới đây, thời điểm có thể là từ 01/7/2024 nếu không có gì thay đổi.
Do đó, có thể thấy, mặc dù lộ trình tăng lương cơ bản đến năm 2025 đã được đề ra là thế nhưng liệu thực tế có áp dụng được không thì còn phải dựa vào tiến độ triển khai cải cách tiền lương từ 01/7/2024 tới đây.
Trong khu vực doanh nghiệp
Đến năm 2025, tiền lương áp dụng với người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện theo phương thức khoán chi phí gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Và đây sẽ là tiền đề cho việc giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.
Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết 27 này, người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước sẽ hưởng mức tiền lương theo phương thức khoán và gắn liền với nhiệm vụ kinh doanh của chính doanh nghiệp đó đến năm 2025.
Lộ trình tăng lương cơ bản đến năm 2025: Phải gắn với tinh giản biên chế? (Ảnh minh họa)
Có đúng tăng lương phải gắn liền với tinh giản biên chế?
Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, cải cách tiền lương là yêu cầu khách quan và nhân tố quan trọng trong việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy nhà nước.
Trong đó, mục tiêu từ năm 2018 đến 2020 của khu vực công bên cạnh việc tăng lương cơ sở, không bổ sun phụ cấp mới theo nghề thì cần phải hoàn thành việc xây dựng, ban hành chế độ tiền lương mới gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế.
Hiện nay, do dịch Covid-19 nên các cơ quan đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm và tinh giản biên chế.
Đơn cử như hiện nay, một số Bộ đã ban hành các Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm như:
- Vị trí việc làm của công chức lĩnh vực tài chính tại Thông tư 54/2023/TT-BTC.
- Vị trí việc làm của công chức chuyên ngành lĩnh vực văn phòng tại Thông tư số 02/2023/TT-VPCP.
- Vị trí việc làm của viên chức lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại Thông tư số 10/2023/TT-BVHTTDL…
(những văn bản này sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2023 tới đây)
Đồng thời, trong cơ cấu tiền lương một số chính sách gắn với tinh giản biên chế như: Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế; tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách để tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương…