Quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, quản lý cán bộ

Dự thảo “Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ” được xây dựng gồm 4 chương, 9 điều quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, quản lý cán bộ - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương phát biểu kết luận Hội nghị.

Ngày 14/9, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị. 

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban đảng, cơ quan đảng ở Trung ương; đại diện Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương; lãnh đạo ban cán sự đảng, đảng ủy, tập thể lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương; đại diện Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện thường trực, lãnh đạo ban tổ chức 32 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, một trong ba vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. 

Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) cũng nêu rõ “người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu uỷ viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. 

Mới đây nhất, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ.

Theo đồng chí Nguyễn Quang Dương, chủ trương đã có từ lâu, xuyên suốt trong hệ thống các văn bản của Đảng đều thể hiện yêu cầu phải có quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu và yêu cầu tăng cường phân cấp, phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu, nhưng chưa có văn bản nào quy định một cách cụ thể. 

Do đó, việc xây dựng Đề án là cần thiết, dựa trên những nguyên tắc cơ bản như Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời bảo đảm thực hiện đồng bộ với các quy định đã có về đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…

Dự thảo “Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ” được xây dựng gồm 4 chương, 9 điều quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ (gồm các nội dung: đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu người ứng cử) và quản lý cán bộ (gồm các nội dung: tuyển chọn, bố trí, phân công, luân chuyển, điều động, biệt phái, miễn nhiệm, tạm đình chỉ, đình chỉ và cho thôi chức vụ).

Người đứng đầu theo dự thảo quy định gồm toàn bộ các chức danh, chức vụ đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các tổ chức cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Lực lượng vũ trang có quy định riêng.

Tại Hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu bày tỏ thống nhất, đồng tình cao về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; nhất trí với bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc... được nêu trong dự thảo. 

Các đại biểu cũng góp ý chi tiết vào nội dung các chương, điều trong dự thảo, trong đó, tập trung vào thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu và xác định trách nhiệm, xử lý trách nhiệm...

Kết luận tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đánh giá cao các ý kiến góp ý thẳng thắn, tâm huyết của đại biểu; nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành quy định là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Đồng chí Nguyễn Quang Dương đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục nghiên cứu, góp ý vào dự thảo để bảo đảm tính khả thi cao khi quy định được ban hành. Tổ Biên tập Đề án sẽ tiếp thu, nghiên cứu, tham mưu, hoàn chỉnh dự thảo Quy định trong thời gian tới.

Loading...