1. Trình độ chuyên môn là gì?
Trình độ chuyên môn chính là kiến thức, sự hiểu biết và năng lực của một người trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Để được công nhận về trình độ chuyên môn, một người phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện lâu dài ở trường, lớp hoặc tổ chức giáo dục được cấp phép.
Mục tiêu của quá trình đào tạo đó là trang bị kiến thức, kỹ năng để một người có thể vận dụng vào công việc, theo từng trình độ và lĩnh vực cụ thể.
Trình độ chuyên môn là gì? (Ảnh minh hoạ)
2. Các bậc trình độ chuyên môn
Hiện nay, trình độ chuyên môn được chia thành các bậc cơ bản sau, nhằm tạo sự rõ ràng trong việc đánh giá cũng như ghi nhận:
2.1 Trình độ sơ cấp
Trình độ này dành cho các chương trình học tập và đào tạo trong thời gian ngắn, với hình thức học kiến thức song song với thực hành.
Các khóa đào tạo giúp đạt trình độ sơ cấp thường áp dụng đối với các ngành nghề về kỹ thuật trong các trường dạy nghề.
2.2 Trình độ trung cấp
Trình độ trung cấp dành cho những người đã hoàn thành xong chương trình giáo dục bậc trung học phổ thông và cả trung học cơ sở, sau đó mới có thể học tiếp trung cấp.
Thời gian học trung cấp sẽ kéo dài từ 02 đến 04 năm, tùy theo việc người đó đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở hay trung học phổ thông.
Với trình độ trung cấp, một người sẽ có những kiến thức chuyên sâu hơn về một lĩnh vực cụ thể, đủ để làm việc một cách độc lập.
2.3 Trình độ cao đẳng
Chương trình cao đẳng chỉ áp dụng cho những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và thời gian học kéo dài 03 năm. Với chương trình học cao đẳng, người học sẽ được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên sâu hơn về một ngành nghề cụ thể.
Với trình độ cao đẳng, một người có đủ khả năng để giải quyết các vấn đề mang tính phức tạp. Họ có thể làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm và có đủ năng lực với các vị trí quản lý.
2.4 Trình độ đại học
Chương trình đại học sẽ đào tạo sinh viên những kiến thức chuyên môn một cách chuyên sâu với kiến thức lớn và toàn diện hơn, cùng nhiều kỹ năng hỗ trợ cho công việc.
Thời gian đào tạo chương trình đại học tuỳ thuộc vào từng ngành học, có những ngành thời gian đào tạo trong 04 năm, nhưng có những ngành thời gian đào tạo đến 06 năm.
2.5 Trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ
Chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ được áp dụng đối với những người đã tốt nghiệp đại học. Họ có nhu cầu nâng cao hơn các kỹ năng về chuyên môn nghề nghiệp hoặc nguyện vọng tìm hiểu kiến thức chuyên sâu hơn.
Tiến sĩ là bậc chuyên môn cao nhất hiện tại (Ảnh minh hoạ)
3. Cách ghi trình độ chuyên môn trong sơ yếu lý lịch
Điều quan trọng nhất là tính trung thực, bạn cần thể hiện chính xác trình độ chuyên môn của mình. Vì nó chứng minh sự phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển, tuyệt đối không vì muốn làm công việc đó mà ghi sai sự thật.
Việc kiểm chứng về trình độ chuyên môn có thể được thực hiện dễ dàng thông qua bằng cấp chuyên môn của bạn và năng lực mà bạn thể hiện trong quá trình làm việc.
Sau khi hiểu rõ “trình độ chuyên môn là gì” và các bậc phổ biến của trình độ chuyên môn, thì việc ghi thế nào trong sơ yếu lý lịch đã trở nên dễ dàng hơn. Bạn chỉ cần ghi bậc cao nhất đã được đào tạo và có giấy chứng nhận việc hoàn thành chương trình học. Để khẳng định sự phù hợp của bạn với công việc đang ứng tuyển, bạn sẽ thêm chuyên ngành đã được đào tạo.
Ví dụ: Bạn đã tốt nghiệp chương trình đại học ngành tài chính ngân hàng.Thì bạn sẽ ghi trình độ chuyên môn trong sơ yếu lý lịch là Đại học - Tài chính ngân hàng.
Nên trung thực khi ghi trình độ chuyên môn (Ảnh minh hoạ)
4. Trình độ chuyên môn và trình độ học vấn giống hay khác nhau?
4.1 Trình độ học vấn là gì?
Trình độ học vấn được hiểu là bậc học cao nhất của một người, khi người đó hoàn thành chương trình học ở trường lớp, ví dụ như tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, cao học… Và với mỗi bậc học đó, mọi người thường gọi là một trình độ.
Ví dụ bạn hoàn thành chương trình học của bậc trung học cơ sở, thì sẽ ghi trình độ học vấn là trung học cơ sở hoặc cũng có thể ghi là 9/12, vì chương trình trung học cơ sở dạy hết lớp 9.
4.2 Trình độ chuyên môn và trình độ học vấn giống hay khác nhau?
Trình độ chuyên môn và trình độ học vấn có một số điểm khác nhau cơ bản sau:
Tiêu chí | Trình độ chuyên môn | Trình độ học vấn |
Kiến thức đào tạo cho người học | Bạn được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể. | Bạn chỉ được cung cấp những kiến thức chung và cơ bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau. |
Khả năng ứng dụng thực tế | Sau khi hoàn thành khóa học, bạn có đủ kiến thức và kỹ năng để đảm nhận một công việc chuyên môn nhất định. | Sau khi hoàn thành khóa học, bạn chỉ có những kiến thức bao quát, chỉ có thể đảm nhận các không việc đơn giản, không yêu cầu chuyên môn. |
Tầm quan trọng | Là yếu tố quan trọng, để đánh giá năng lực và mức độ phù hợp của bạn trong công việc. | Là yếu tố cần phải có đối với hầu hết các vị trí, nhưng chưa đủ để đánh giá năng lực hay khả năng phù hợp của bạn đối với công việc. |
5. Một số cách để nâng cao trình độ chuyên môn
Trình độ chuyên môn là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của bạn trong việc ứng tuyển và cả khi được chọn làm việc. Vì vậy, bạn cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân, để khẳng định năng lực của mình và có được nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
Sau đây, chúng ta cùng xem qua một số cách có thể giúp bạn nâng cao trình độ chuyên môn:
Tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn giúp nâng cao trình độ chuyên môn (Ảnh minh hoạ)
- Hiểu rõ điểm mạnh và yếu của bản thân: Bạn sẽ biết được đâu là điểm mạnh của mình, cố gắng thể hiện và phát huy. Ngược lại, đối với điểm yếu thì bạn cần tập trung học hỏi, rèn luyện để cải thiện và khắc phục nó mỗi ngày.
- Đăng ký học các lớp nghiệp vụ ngắn hạn: Với những kiến thức được đào tạo ở trường, chỉ đủ để bạn đảm nhận các vị trí cơ bản như nhân viên. Nếu bạn muốn phát triển bản thân, có cơ hội thăng tiến, bạn cần bổ sung thêm rất nhiều kỹ năng khác nữa. Tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn là một giải pháp tối ưu, tập trung đúng kỹ năng cần học và tiết kiệm thời gian chi phí.
- Học hỏi từ đồng nghiệp và cấp trên: Môi trường làm việc sẽ dạy cho bạn rất nhiều điều quý giá, mà không một trường lớp nào có thể dạy được. Đó là kiến thức thực tế, là những kinh nghiệm mà bạn có thể học được từ những người đồng nghiệp xung quanh. Bạn chỉ cần chú ý quan sát, chịu khó học hỏi và kiên trì, thì kỹ năng của bạn sẽ nhanh chóng được nâng cao rõ rệt.
- Đọc nhiều sách, báo và tài liệu về chuyên ngành: Đây là kho tàng kiến thức quý giá, giúp bạn mở rộng được lượng kiến thức cả về chiều sâu và chiều rộng.