Chính sách cải cách tiền lương của công chức thế nào?
Theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018, việc cải cách tiền lương sẽ làm thay đổi các nội dung của thu nhập công chức như sau:
- Xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo.
- Chuyển xếp lương mới đảm bảo không thấp hơn lương hiện hưởng và mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất của công chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của doanh nghiệp. Đến 2025, đảm bảo cao hơn mức lương thấp nhất bình quân nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương.
- Cơ cấu lại lương của công chức gồm 70% là lương cơ bản và 30% là phụ cấp. Đồng thời, bổ sung thêm 10% là thưởng.
- Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp. Sau cải cách tiền lương, công chức chỉ còn có: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập và phụ cấp dành cho lực lượng vũ trang (phụ cấp thâm niên…).
Lương công chức sẽ tiếp tục tăng sau 01/7/2024 có đúng không? (Ảnh minh họa)
Hằng năm, lương công chức sẽ tiếp tục tăng sau 01/7/2024?
Theo thông tin mới nhất tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ năm 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm để bù trượt giá và cải thiện theo mức tăng trưởng GDP.
Nghĩa là, hằng năm, lương công chức vẫn sẽ tăng thêm 7%/năm sau khi công chức đã được tăng lương sau khi cải cách tiền lương.
Trong đó, do mục tiêu đặt ra năm 2025 là mức lương thấp nhất của công chức sẽ bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp nên dự kiến, khi cải cách tiền lương, lương công chức vẫn sẽ tăng bởi lý do sau đây:
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng của người lao động theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức bình quân tiền lương của người lao động trong khu vực doanh nghiệp hiện nay đang là hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương thấp nhất của công chức đang được hưởng là 3,348 triệu đồng/tháng (có hệ số lương 1,86 và mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng).
Dự kiến, khi cải cách tiền lương, theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018, khu vực doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình của họ.
Đồng thời, có thể cuối năm nay, phương án tăng lương tối thiểu vùng sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình và Bộ này cũng đang đề xuất sẽ thực hiện tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động đồng thời với lộ trình cải cách tiền lương từ 01/7/2024.
Như vậy, nếu mức lương tối thiểu vùng của người lao động tăng thì kéo theo đó, lương công chức thấp nhất cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng như hiện nay.
Và lý do thứ hai cần phải kể đến đó là việc bổ sung thưởng trong cơ cấu tiền lương của công chức. Bên cạnh mức lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương trong năm và phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương thì khi cải cách tiền lương, công chức được bổ sung thêm 10% tiền lương mà không bao gồm trong phụ cấp.
Từ những lý do đó, có thể thấy, dự kiến sắp tới khi cải cách tiền lương, lương công chức sẽ tăng hơn khá nhiều so với trước đây.
Ngoài ra, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, dự kiến tiền lương trung bình của công chức sẽ tăng hơn 32% so với mức thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp sau khi cải cách tiền lương.