Phụ cấp công tác lâu năm: Ai được hưởng? Mức hưởng thế nào?

Khi công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, công chức sẽ được hưởng thêm một số chính sách ưu đãi. Một trong số đó là phụ cấp công tác lâu năm. Vậy quy định về loại phụ cấp này thế nào?

Ai được hưởng phụ cấp công tác lâu năm?

Theo Điều 2 Nghị định 76/2019/NĐ-CP, đối tượng được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự).

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc Quân đội.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc Công an.

- Người làm việc trong các tổ chức cơ yếu.

- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Trong đó, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này gồm: Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; các xã khu vực III dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo, thôn đặc biệt khó khăn.


Mức hưởng phụ cấp công tác lâu năm 2021 thế nào?

Mức phụ cấp công tác lâu năm được quy định tại Điều 5 Nghị định 76 tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Hệ số áp dụng cho loại phụ cấp này lần lượt là 0,5; 0,7 và 1,0.

Hiện nay, trong năm 2021, mức lương cơ sở vẫn đang áp dụng 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, nếu công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng phụ cấp lâu năm như sau:

STT

Thời gian công tác

Hệ số

Mức hưởng phụ cấp

1

Từ đủ 05 năm - dưới 10 năm

0,5

745.000 đồng/tháng

2

Từ đủ 10 năm - dưới 15 năm

0,7

1,043 triệu đồng/tháng

3

Từ đủ 15 năm trở lên

1,0

1,49 triệu đồng/tháng

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng phụ cấp công tác lâu năm thấp nhất là 745.000 đồng/tháng và cao nhất là 1,49 triệu đồng/tháng.

Có được cùng hưởng phụ cấp lâu năm và thu hút không?

Hiện nay, có nhiều cán bộ, công chức, viên chức thắc mắc rằng, liệu công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thì có được đồng thời hưởng hai loại phụ cấp thu hút và công tác lâu năm không?

Bởi tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 76 có nêu rằng:

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.

Phụ cấp thu hút nêu tại Điều 4 Nghị định 76 áp dụng với người có thời gian làm việc thực tế tại nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng) với mức phụ cấp bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có).

Còn phụ cấp công tác lâu năm được tính theo hệ số tương ứng với thời gian thực tế làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Mức phụ cấp này tính theo lương cơ sở và thời gian làm việc thực tế (phải từ 05 năm trở lên).

Có thể thấy, đây là hai khoản phụ cấp khác nhau dành cho người làm việc tại nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn. Do đó, không thể áp dụng nguyên tắc “đối tượng áp dụng chính sách cùng loại thì chỉ được hưởng mức cao nhất”.

Như vậy, một người khi công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể đồng thời hưởng cả phụ cấp thu hút và phụ cấp công tác lâu năm nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng của hai loại phụ cấp này.

Loading...