Quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng
Cán bộ, công chức cần được thông qua quyết định bổ nhiệm để đủ điều kiện giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật. Để được bổ nhiệm, cán bộ, công chức cần đáp ứng điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng và tiêu chuẩn lãnh đạo cấp phòng.
Điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng bao gồm:
+ Đáp ứng tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm;
+ Đã được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương đối với nguồn nhân sự từ nơi khác;
+ Đã xác minh hồ sơ, lý lịch cá nhân, có bản kê khai tài sản, thu nhập;
+ Đủ độ tuổi theo quy định;
+ Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.
Những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của lãnh đạo cấp phòng
Tiêu chuẩn chung
+ Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân.
+ Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh….
+ Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
+ Có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và theo quy định của Đảng, Nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết và phù hợp.
+ Có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo.
+ Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định; có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý.
Tiêu chuẩn cụ thể
Mỗi một Bộ, Ban, Ngành đều có những tiêu chuẩn cụ thể riêng cho từng vị trí ngoài những tiêu chuẩn chung bắt buộc kể trên:
Tiêu chuẩn về chức danh Trưởng phòng
Trưởng phòng sẽ chịu trách nhiệm chính trong mọi hoạt động của phòng và thực hiện những nhiệm vụ bao gồm:
+ Tổ chức quản lý, điều hành công việc của phòng.
+ Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các công chức, viên chức và người lao động trong phòng.
+ Kiểm soát việc chấp hành và tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong quá trình giải quyết các công việc của phòng.
+ Quản lý việc chấp hành chế độ về thời gian làm việc; nội quy, quy chế làm việc của cơ quan.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, phân cấp của Thủ trưởng đơn vị.
+ Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao của phòng và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện.
+ Quản lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài sản được Bộ, đơn vị giao theo quy định
Đồng thời, trưởng phòng cần đáp ứng yêu cầu đối với kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý như sau:
+ Có thời gian công tác trong ngành tối thiểu từ 05 năm trở lên, trong đó có tối thiểu 03 năm làm công tác trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.
+ Có thời gian đảm nhiệm chức vụ quản lý Phó Trưởng phòng hoặc tương đương tối thiểu từ 01 năm trở lên (trường hợp bổ nhiệm tại chỗ).
Yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với trưởng phòng:
+ Tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp thạc sỹ.
+ Có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên.
+ Đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên hoặc các chức danh nghề nghiệp tương đương trở lên.
+ Có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên.
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên.
Tiêu chuẩn chức danh Phó trưởng phòng
Phó Trưởng phòng là người hỗ trợ công tác cho Trưởng phòng, đảm đương những nhiệm vụ như sau:
+ Tổ chức thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ theo phân công hoặc ủy quyền của Trưởng phòng.
+ Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
+ Tham mưu, đề xuất với Trưởng phòng các chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước.
+ Báo cáo, đề xuất với Trưởng Phòng phương án xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng phòng.
Phó trưởng phòng cần đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý để đủ điều kiện bổ nhiệm. Có thời gian công tác trong ngành tối thiểu từ 03 năm trở lên, trong đó có tối thiểu 02 năm làm công tác trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.
Phó trưởng phòng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ gồm:
+ Tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được giao.
+ Đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên hoặc các chức danh nghề nghiệp tương đương trở lên.
+ Có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên trở lên.
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên.
Vai trò của lãnh đạo cấp phòng là gì?
Lãnh đạo cấp phòng sẽ có vai trò:
+ Quản lý nhân viên, quản lý các hoạt động trong phòng ban.
+ Đưa ra kế hoạch, điều hành công việc và phân công nhiệm vụ cho nhân viên phòng ban.
+ Dẫn đầu, điều tiết, điều hoà công việc, đồng thời, truyền cảm hứng, động lực cho nhân viên trong quá trình làm việc.
Lãnh đạo cấp phòng sẽ đứng ở vị trí đầu tiên trong quá trình vận hành, hoạt động của phòng, ban trong cơ quan hành chính nhà nước, là nơi:
+ Truyền tải và tổ chức thực hiện các quyết định của cấp trên trực tiếp, đồng thời, phản ánh những yêu cầu, nguyện vọng, đề xuất của công chức đơn vị với lãnh đạo cấp trên.
+ Tham mưu để giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý các lĩnh vực công tác chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ mà phòng được phân công.
Trưởng phòng và các Phó trưởng phòng là những lãnh đạo cấp phòng trong cơ quan nhà nước Việt Nam hiện nay, có nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của phòng ban bao gồm:
+ Xây dựng, trình thủ trưởng cơ quan để thủ trưởng cơ quan trình cấp có thẩm quyền các đề án, dự án.
+ Xây dựng, trình thủ trưởng cơ quan, đơn vị ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn theo quy định của pháp luật.
+ Xây dựng, trình thủ trưởng cơ quan, đơn vị ban hành các quyết định, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, hằng năm thuộc lĩnh vực quản lý của phòng.
+ Tổ chức thực hiện công tác chuyên môn của phòng; đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện lĩnh vực công tác do phòng quản lý.
+ Trực tiếp quản lý con người, cơ sở vật chất, tài chính của phòng.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan.
(Trích Luật Cán bộ, Công chức năm 2008)